Khí công và quyền thuật Phép đạo dẫn

Trong võ thuật thường hay áp dụng các phương pháp trên vào trong quyền thuật qua các phương pháp dụng khí hóa kình, vận khí hóa kình, kết hợp hơi thở và dùng tâm ý dẫn khí hóa thành kình lực tạo hiệu quả trong các chiêu thức (đòn đánh) khi tấn công mục tiêu và công phá đối tượng vật cản trên cơ sở kết hợp điều thân (đặt mình vào trong một tư thế, chiêu thức vận động của quyền pháp), điều tức (hơi thở kết hợp động tác và sự dẫn khí), điều tâm (dùng tâm ý dẫn khí tập trung sức mạnh của khí lực từ đan điền lên ngực và lưng, vai, cánh tay, gót chân, đùi, hông, eo). Phương pháp này chỉ xuất hiện tại các môn võ của Á Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam).

Về hơi thở thì phải thâm (sâu), trường (dài), quân (đều), tĩnh (êm), khai khoát tự nhiên (thoải mái tự nhiên).

Về cơ thể phải luôn buông lỏng và tuyệt đối không được gồng cứng, vì gồng cứng sẽ làm cho khí lực không lưu thông, cơ thể sinh bệnh, khí huyết bị ngưng trệ, cơ bắp và gân xương bị căng cứng và co rút gây ra thần kinh căng thẳng, tâm trí bất an hỗn loạn, hơi thở sẽ dồn dập, tất cả sẽ tạo ra stress làm ức chế các hoạt động tâm thức không chạm vào được phần vô thức sâu xa để điều chỉnh trạng thái quân bằng cho cơ thể, xương sống lưng phải luôn giữ ngay thẳng cùng hai vai buông lỏng để cho khí lực dễ dàng tập trung, đầu cổ ngay ngắn, thân thể không xiêu vẹo.

Chúng ta có hai hệ thần kinh: hệ thần kinh động vật gắn liền với các quá trình tâm lý ý thức và hệ thần kinh thực vật gắn liền với các quá trình tâm lý vô thức. Ta thường thấy các đạo sĩ Yoga Ấn Độ làm được nhiều chuyện phi thường như chôn sống dưới đất 80 ngày vẫn sống (nhịn ăn nhịn uống còn chịu được, ở đây nhịn thở!!!), làm tim ngừng đập (chết lâm sàng),... vì họ đã tập luyện đến mức làm chủ được hệ thần kinh thực vật.

Các tác pháp, võ thuật gọi là yếu pháp, yếu lý, quyền lý, thường dẫn rõ trong khí công được coi là có nguồn gốc từ Thiền thông qua tác phẩm Trung luận hay Trung quán luận của Phật giáo và các bản kinh Đại Thủ Ấn của trường phái Thiền Đốn Ngộ có ghi rõ các yếu lĩnh về phương pháp điều thân - điều tức - và điều tâm. Tác phẩm Trung luận này giới Triết học thường xem là tác phẩm bàn về Bản thể luận của Phật giáo, tức là bàn về cái nguyên ủy (the First hay le Première xuất hiện đầu tiên sáng tạo ra thế giới, duy tâm: Thượng đế, hay duy vật vô thần: vật chất). Về mặt võ công, có thể nói đây là cuốn sách võ công thượng thừa mà các nguyên lý triết học và phép biện chứng của Phật giáo được thể hiện không hề dễ hiểu trên các phạm trù chân như, hư không.